Người ba của những đứa trẻ bụi đời
Một chiều cuối tháng 10,àngtraiđixintừngbórauvềnuôihơnđứrồng bạch kim người viết tìm đến cửa hàng Long Nhi Food trên đường Bình Đông, Q.8, TP.HCM, đây là ngôi nhà chung của nhiều đứa trẻ không cha, không mẹ được anh Lê Văn Nam (30 tuổi) nhận nuôi.
Tại đây, một bé trai trạc chừng 10 tuổi kể với người viết: "Mẹ con chở đến đây gửi rồi nói chủ nhật sẽ quay lại đón. Nhưng đợi mãi đến nay đã mấy tháng rồi mẹ vẫn chưa quay lại tìm con". Hỏi ra thì mới biết vì hoàn cảnh quá khó khăn, mẹ phải gửi em vào đây cho anh Nam chăm sóc, mong em có cuộc sống tốt hơn.
Chia sẻ cơ duyên đến với những đứa trẻ này, anh Nam cho biết tất cả đều xuất phát từ sự đồng cảm. Trước kia, anh cũng xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mới 10 tuổi đã phải lang bạt để lượm bịch ni lông, bán vé số kiếm sống qua ngày. Anh may mắn lớn lên nhờ tình thương, sự cưu mang của những người xa lạ mà tốt bụng. "Nếu ngày đó mình không được giúp đỡ thì chẳng biết cuộc đời sẽ trôi dạt về đâu", anh Nam bày tỏ.
Khoảng năm 15 - 16 tuổi, mỗi lần gặp những đứa trẻ có số phận đáng thương anh Nam lại động lòng thương xót. "Lúc đó mình thấy tụi nhỏ hay tụ tập chơi dưới chân cầu Chà Và. Sợ con nít chơi với nhau sẽ dẫn đến gây gổ hay tệ hơn là bị lôi kéo vào những tệ nạn xã hội, mình mới nghĩ phải làm gì đó để tạo sân chơi lành mạnh cho mấy đứa nhỏ", anh Nam kể lại.
Nghĩ là làm, anh Nam đã dành số tiền công ít ỏi của mình lúc đó mua đầu lân và 1 cái trống. Cứ chiều chiều anh tập trung tụi nhỏ lại để chơi cùng nhau rồi thành lập đội lân Long Nhi Đường. Qua đó anh tranh thủ trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh của từng em rồi động viên các em đến những lớp học tình thương để tìm con chữ. Dần dần anh em quý mến nhau như ruột thịt. Rồi việc làm của anh Nam cũng nhận được sự chung tay của chính quyền, thời gian sau anh được phường cho mượn một ngôi nhà nhỏ để sinh hoạt.
Cứ thế, số lượng thành viên đội lân của anh Nam tăng dần theo từng ngày. Anh Nam kể có nhiều bạn ban đầu tham gia vì mê múa lân, nhưng khi đến đây sinh hoạt và cảm nhận được không khí của một gia đình nên xin ở lại luôn. Rồi vì quý mến nên tụi nhỏ cứ gọi anh là ba. Đến hiện tại sau 15 năm, anh đã trở thành người cha "bất đắc dĩ" của hàng trăm đứa con. Nhờ tình thương, sự dạy dỗ của anh mà các em lần lượt trưởng thành, không còn là những đứa trẻ bụi đời, thất học.
Suốt 15 năm qua, anh Nam làm đủ mọi nghề để kiếm tiền lo cho "đàn con" của mình. Những bạn lớn hơn cũng ra đời đi làm để phụ anh nuôi các bé nhỏ. Hơn nữa, ở với anh đứa nào cũng được đi học đàng hoàng. Dù học phí như một gánh nặng đè lên vai nhưng anh Nam luôn cố gắng động viên các con đi học. Vì hơn ai hết, anh hiểu rất rõ nếu không có con chữ, sau này các bạn sẽ bị thua thiệt rất nhiều.
Không chỉ chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho các con, anh Nam còn dạy dỗ, giáo dục chúng nên người. Với anh, việc uốn nắn, dạy dỗ những đứa trẻ này không hề dễ dàng, nhất là mỗi đứa một hoàn cảnh và tính cách riêng. Đến khi tụi nhỏ "đủ lông đủ cánh", anh còn phải chạy đôn chạy đáo tìm công ăn việc làm cho các con.
Suốt 15 năm qua, những đứa con của anh Nam, có người trưởng thành, cũng không ít người thất bại. Tuy nhiên khi nhắc đến những đứa trẻ mình từng cưu mang, đôi mắt của anh Nam luôn ánh lên niềm tự hào. "Dẫu có thất bại thì cũng chỉ ở mặt công việc, còn về đạo đức, lối sống, bản thân mình luôn tự hào về các con. Đứa nào cũng sống một cuộc đời ngay thẳng", anh Nam bày tỏ.
"Cuộc đời này dành hết cho tụi nhỏ"
Nhớ lại khoảng thời gian đầu cưu mang các em, anh Nam cho biết vì có một mình nên những khó khăn bủa vây không biết kể sao cho hết. Có giai đoạn cả nhà chỉ ăn xương gà chứ không dám nghĩ đến thịt. "Mình nhớ rất rõ lúc đó mỗi ngày tiền chợ chỉ có 100.000 đồng nhưng phải nấu cho hơn 20 miệng ăn. Thật sự có lúc phải ra chợ xin rau, củ, quả, loại mà người ta không bán được, để về làm thức ăn. Đi chợ chỉ dám mua 5 kg xương gà còn dính chút ít thịt rồi về kho mặn cho tụi nhỏ ăn với cơm", anh Nam bồi hồi nhớ lại.
Dù khó khăn, túng quẫn là vậy nhưng chưa bao giờ anh Nam kêu gọi sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Ai thương tình cho gạo, đồ ăn thì anh cảm ơn chứ nhất quyết không nhận tiền. "Mình luôn dạy các con phải kiếm tiền bằng mồ hôi, công sức của bản thân. Nếu nhận tiền không công từ người khác sẽ khiến các con ỷ lại và không trân quý sức lao động của mình", anh Nam chia sẻ. Do đó, để có thêm chi phí lo cho các con, mới đây anh Nam đã mở thêm tiệm rửa xe và một quán ăn nhỏ nhằm tạo thêm thu nhập. Đây cũng là mong ước anh đã ấp ủ suốt 3 năm nay.
Vì quá yêu thương tụi nhỏ nên ngay cả ước mơ lớn nhất anh Nam cũng dành cho các con của mình. Anh mong sau này có điều kiện hơn sẽ lo cho tất cả các bạn đi học nghề, định hướng công việc rõ ràng. Còn về phần mình, anh Nam cho biết với anh như vậy là quá đủ, chỉ mong có thêm sức khỏe để tiếp tục lo cho các con.
Khi được hỏi về chuyện lập gia đình, anh Nam cười và nói: "Cuộc đời này mình đã dành hết cho tụi nhỏ rồi, nếu lập gia đình, tình cảm của mình sẽ bị phân chia, có máu mủ ruột thịt rồi thì sợ không đủ yêu thương dành cho các con nữa. Mình cũng sợ tạo gánh nặng thêm cho 1 người nên thôi".
Về ở với anh Nam lúc 9 tuổi, đến nay đã được 10 năm, Lê Chí Phát (19 tuổi) xem anh như cha đẻ. Phát cho biết ban đầu chỉ xin vào đoàn lân để chơi cùng, nhưng sau đó thích sống luôn ở đây vì có tình thương và hơi ấm gia đình.
"Em rất biết ơn công nuôi dưỡng và dạy dỗ của ba Nam. Nhờ có ba mới có em ngày hôm nay. Với em, cuộc sống hiện tại đã quá đủ đầy và tốt đẹp rồi", Phát hạnh phúc chia sẻ.