Đó là chia sẻ từ Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại buổi tọa đàm với chủ đề Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền tây Nghệ An,ộtrưởngLêMinhHoanTưduythịtrườngquanhquẩnsânnhàsẽkhólàmgiàkết quả xổ số 3 miền do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 18.11, tại Hà Nội.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý cho rằng, miền tây Nghệ An có 11 huyện, trong đó 9 huyện nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận; có hơn 468 km đường biên giáp Lào với 5 cửa khẩu; 4 quốc lộ nối hành lang kinh tế đông - tây và đường Hồ Chí Minh, rất thuận lợi về giao thông với Lào, vùng đông bắc Thái Lan. Thế nhưng, theo ông Thái Thanh Quý, lãnh đạo tỉnh Nghệ An luôn trăn trở: "Vì sao một vùng đất rộng lớn như thế nhưng vẫn mãi khó khăn?".
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định, tỉnh đang rà soát, xây dựng bổ sung cơ chế, chính sách và nguồn lực tài chính cho phát triển và đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn này. Trong đó, miền tây Nghệ An tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái; phát triển kinh tế lâm nghiệp với các vùng dược liệu ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu thành các sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Từ góc nhìn của chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, các ý kiến tại tọa đàm đã "hiến kế" giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực này.
PGS - TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng "giải pháp phát triển cho miền tây Nghệ An có rất nhiều rồi, vấn đề bây giờ là phải hành động thôi". Nghệ An nên học cách làm của Sơn La, địa phương có điều kiện tự nhiên, lợi thế, tiềm năng tương đồng với miền tây Nghệ An. Nhưng vì sao hiện nay, Sơn La đã trở thành "thủ phủ trái cây" và có những sản phẩm hướng tới tiêu chuẩn toàn cầu. Theo đó, PGS - TS Trần Đình Thiên gợi ý, miền tây Nghệ An nên đánh giá, định vị lại về nguồn lực tài nguyên và lợi thế để thu hút doanh nghiệp đầu tư, đặc biệt là kinh tế dược liệu.
Anh hùng Lao động Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, chia sẻ từ năm 2008, khi doanh nghiệp này bắt đầu đầu tư vào đây, các nông lâm trường ở miền tây Nghệ An hoạt động không hiệu quả. Nông sản không tìm được thị trường và lúc đó cần một cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ về nguồn lực đất đai.
Từ kinh nghiệm thành công của TH, bà Thái Hương cho rằng, để miền tây Nghệ An phát triển thì cần có tư duy chiến lược thương hiệu xuyên suốt; chất lượng sản phẩm phải đi đầu; cần có chiến lược sản phẩm ngắn hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, phải ứng dụng khoa học - công nghệ khi hiện nay thế giới đã có nhiều thành tựu lớn về khoa học - công nghệ, khoa học quản trị có thể ứng dụng vào nông nghiệp.
"Cần rà soát lại nguồn lực đất đai ở miền tây Nghệ An, giao cho các doanh nghiệp có đủ tâm - trí - lực. Các doanh nghiệp này cần trở thành trụ cột và lôi kéo người nông dân đi theo, thành một mắt xích trong chuỗi liên kết sản xuất, như cách chúng tôi đã đang làm và đã rất thành công", bà Hương đề xuất.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, nếu cứ tư duy theo lối cũ, đã là miền núi là nghèo, đồng bào dân tộc thu nhập thấp thì không có những thái độ tích cực để thay đổi. Nghệ An cần có sự phối hợp, hành động từ T.Ư đến địa phương, mang tính chất liên ngành, đa ngành để khơi dậy tiềm năng từ tài nguyên bản địa, văn hóa cộng đồng các dân tộc miền tây.
Cho rằng miền tây Nghệ An đang có những lợi thế đặc biệt nhưng chưa biết cách khai thác để lan tỏa giá trị ra bên ngoài, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng về chuyến khảo sát khu vực này, có những loại nông sản rất đặc biệt như là ngô nếp tím Kỳ Sơn lần đầu tiên ông được ăn, rất ngon. "Khi tôi mang ngô về căng tin của bộ, rất kỳ lạ, có người quê Nghệ An nhưng chưa bao giờ ăn loại ngô này, hay như món cá còm, rất ngon nhưng nhiều cán bộ ở bộ nói chưa từng biết món ăn này", ông Hoan kể lại.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, miền tây Nghệ An có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển theo tư duy kinh tế thị trường nhưng các sản phẩm chỉ quanh quẩn ở sân nhà thì sẽ khó mà làm giàu được. Theo đó, phải tiếp cận một cách tổng thể để khơi dậy tiềm năng từ tài nguyên bản địa, cấu trúc cộng đồng xã hội, cộng đồng các dân tộc ở miền tây Nghệ An.
"Ngay sau sự kiện này, Bộ NN-PTNT sẽ ngồi lại với lãnh đạo Nghệ An để vạch ra những việc cần phải bắt tay làm ngay cho miền tây", ông Hoan nói.