Đầu tư nước ngoài tăng vọt,àubềnvữnguyễn sản xuất, nông nghiệp và các ngành công nghiệp khác đã mở rộng đáng kể khi Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng hóa trọng yếu sang các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp 13 lần kể từ giữa những năm 1990. Đó là một thành công vượt trội cả về mặt phát triển kinh tế và xã hội. Nhưng đã đến lúc Việt Nam nhìn nhận lại quỹ đạo tăng trưởng của mình trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0".
Giờ đây, khi thế giới đang chuyển dịch nhanh chóng để ứng phó với thách thức biến đổi khí hậu, Việt Nam phải đưa ra lựa chọn. Thành ngữ Việt Nam có câu "Leo cao thì ngã đau", nhưng "bò thấp lại dễ chết". Chấp nhận rủi ro có thể nguy hiểm, nhưng điều nguy hiểm hơn nhiều là không đủ táo bạo hoặc tham vọng.
Làn sóng đầu tư mới đang đến, cùng với các mục tiêu khí hậu của quốc gia, nguồn tài trợ của Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (Just Energy Transition Partnership - JETP) và các nguồn vốn bên ngoài khác đang tìm cách thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo và giảm phát thải carbon. Những công ty đa quốc gia đổ xô vào Việt Nam cách đây một thập kỷ rưỡi đang tìm kiếm sự đảm bảo rằng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam có thể giúp họ thực hiện các cam kết về môi trường, xã hội, quản trị và tính bền vững - những mục tiêu hiện rất phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Nhiều kế hoạch đầy tham vọng đã được công bố cho các dự án năng lượng mặt trời và thủy điện...
Mỗi dự án đều có khả năng giúp Việt Nam thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 theo Thỏa thuận Paris, cũng như hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không nắm bắt được đầy đủ cơ hội giảm phát thải carbon thì sự chuyển đổi mới này cũng có thể tạo ra nhiều chất thải hơn, khai phá nhiều quỹ đất hơn và giảm đa dạng sinh học. Đây là những vấn đề nghiêm trọng không kém gì vấn đề biến đổi khí hậu mà chúng ta đang cố gắng giải quyết.
Việt Nam là một trong mười trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có độ che phủ rừng rộng lớn và mức độ đa dạng sinh học biển cao nhất thế giới. Việt Nam có tiềm năng lớn để vận hành các loại giải pháp dựa vào thiên nhiên giúp tạo ra tín chỉ carbon có thể đáp ứng nhu cầu cao từ các nước láng giềng châu Á khác như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một ví dụ minh chứng cho điều này, là Việt Nam đã trở thành quốc gia đầu tiên trong khối ASEAN ký Biên bản ghi nhớ với Singapore để hợp tác trong các dự án tín chỉ carbon.
Tổng thị trường tín chỉ carbon toàn cầu dự kiến đạt 50 tỷ USD vào năm 2030 và châu Á chiếm khoảng 1/3 tiềm năng toàn cầu. Chìa khóa để Việt Nam khai thác tiềm năng này là hợp tác với chuyên gia phù hợp để thiết kế các dự án có tính liêm chính và minh bạch cao nhất. Các công ty lớn sẽ ngày càng tập trung tiếp cận các tín chỉ có giá trị cao nhất, nhận thức được rủi ro rằng danh tiếng của công ty sẽ bị ảnh hưởng nếu có liên quan đến các dự án được thiết kế hoặc thực hiện kém và không đáp ứng các yêu cầu về môi trường.
Các dự án chất lượng cao sẽ là những dự án mang lại lợi ích chung và tác động tích cực đến môi trường, giảm phát thải carbon trong khí quyển đồng thời có những đóng góp thực sự tích cực cho hệ sinh thái, cộng đồng và người dân Việt Nam.
Vị trí tốt nhất để hưởng lợi từ những cơ hội này sẽ là những công ty đang hoạt động trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có liên quan hoặc có tác động đến thiên nhiên và có khả năng điều chỉnh các hoạt động kinh doanh để bảo vệ và khôi phục môi trường.
Những công ty này đứng trước cơ hội rất lớn để nghiên cứu về cách tiếp cận với đất đai và thiên nhiên có thể tạo ra kết quả tích cực về môi trường, đồng thời mang đến các nguồn doanh thu mới dựa trên tín chỉ carbon và tín chỉ thiên nhiên. Điều quan trọng là phải tiếp cận được chuyên môn cần thiết để thực hiện đúng cách các dự án này. Ngành sản xuất lúa gạo hiện đóng góp khoảng 15% tổng lượng khí thải carbon của Việt Nam và là ngành có tiềm năng rất lớn để giảm phát thải carbon. Ngành nông nghiệp sẽ cần tăng sản lượng lương thực để đáp ứng nhu cầu của dân số gia tăng và các cơ hội xuất khẩu. Nhưng với quỹ đất có hạn, đòi hỏi nâng cao hiệu quả, áp dụng công nghệ và phương pháp tiếp cận mới, nếu không, Việt Nam sẽ chỉ đạt được sự tăng trưởng trong ngắn hạn kèm theo những tác động tiêu cực lên nền kinh tế.
Chính phủ Việt Nam có vai trò quan trọng. Mặc dù môi trường phong phú là lợi thế khiến Việt Nam trở thành quốc gia phù hợp cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên như khôi phục rừng, rừng ngập mặn và thảm cỏ biển, nhưng nền kinh tế quốc gia vẫn chủ yếu dựa vào các hộ nông dân nhỏ và các công ty nhỏ. Người mua tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế sẽ không chỉ tìm kiếm các khoản tín dụng có tính minh bạch cao mà còn phải có quy mô lớn. Chính phủ cần khuyến khích việc tổng hợp các khoản tín dụng tương tự và điều này sẽ rất quan trọng khi Việt Nam chính thức vận hành sàn giao dịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mua bán tín chỉ carbon quốc tế vào năm 2028.
Việt Nam có thể đã khởi đầu hơi trễ khi nói đến việc giảm phát thải carbon cho nền kinh tế và khai thác tiềm năng cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Tuy nhiên, Việt Nam đang tiến nhanh nhờ vào áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như nguồn năng lượng trẻ hướng đến khả năng thích ứng, sự lạc quan và giải quyết vấn đề. Đã có nhiều nỗ lực đang được triển khai nhưng như thế là chưa đủ. Theo Cục Biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ cần khoảng 400 tỷ USD từ nay đến năm 2040 để ứng phó với biến đổi khí hậu. Nguồn vốn hiện có từ ngân sách Nhà nước chỉ có thể đáp ứng được 130 tỷ USD. Nhu cầu huy động vốn từ khu vực tư nhân để lấp đầy khoảng trống này vẫn là rất lớn.
Yếu tố cần thiết cho thành công sẽ là xác định và nắm bắt các cơ hội, cũng như vốn đầu tư để củng cố sự chuyển dịch mang tính quyết định từ "bò thấp" sang "leo cao". Đây là những thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt hiện nay. Làm thế nào để doanh nghiệp có thể tự thu hút các nhà đầu tư quốc tế đang ráo riết tìm kiếm các dự án bền vững? Làm thế nào để tiếp cận được nguồn tài chính cho việc xây dựng năng lực và chuyển đổi công nghệ cần thiết nhằm nắm bắt các cơ hội?
Đó là những câu hỏi, cần trả lời ngay từ lúc này, nhằm gieo những hạt giống cho một Việt Nam giàu có bền vững để các thế hệ mai sau hưởng thụ thành quả.
Guy Williams